Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp liên tiếp nổ ra. Từ các cuộc khởi nghĩa theo phong trào Cần Vương như: Khởi nghĩa Ba Đình của Đinh Công Tráng và Phạm Bành ở Nga Sơn, Thanh Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên; khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng và Cao Thắng ở Hà Tĩnh, cho đến cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo ở Yên Thế, Bắc Giang. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này cuối cùng đều thất bại. Những thi sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước. Mặc dù vậy họ chưa tìm ra được con đường giải phóng dân tộc. Trước thực tế ấy, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó mới 21 tuổi đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Bởi trong anh đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi; độc lập cho Tổ quốc tôi. Đấy là tất cả điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Sinh ra ở Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung là con trai Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan; miền quê có truyền thống đấu tranh kiên cường chống áp bức của thực dân; sự giáo dục của gia đình và lòng yêu nước sâu sắc đã ảnh hưởng đến cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thời niên thiếu.
Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế, thời gian sống và học ở mảnh đất Kinh Kỳ, cậu bé Cung đã chứng kiến sự bất lực của các vị vua quan triều Nguyễn; thấy được tội ác của thực dân Pháp; học được văn minh của văn hóa phương Tây và tiếp xúc với đồng bào yêu nước.
Năm 1908, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên Huế tại Tòa Khâm Xứ Trung kỳ. Thời gian sống ở Huế là khoảng thời gian hình thành thế giới quan về thời cuộc, về xã hội đương thời và có ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành.
Tháng 7 năm 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận chức Tri huyện Bình Khê (Bình Định) và một năm sau bị cách chức. Lúc này Nguyễn Tất Thành đã học xong tiểu học, nhưng không theo cha về Huế mà quyết định đi về phương Nam. Vào một ngày trong tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn, đi vào Sài Gòn. Từ nửa sau tháng 9 năm 1910 đến tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh thuộc thành phố Phan Thiết. Trưa ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp với cái tên Văn Ba đã chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu đô đốc Latouche Trêville để tìm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Trên hành trình của mình, tàu đi qua các nước như Singapo, Côlômbô thuộc Sri Lanka, Diibouti, Port Said và Marsile…
Bến Cảng Sài Gòn - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
Ngày 15 tháng 7 năm 1911, tàu đến Lơ Havơrơ (Le Havre), cảng chính ở miền Bắc nước Pháp. Những ngày đầu tiên trên nước Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, Nguyễn Tất Thành nhận thấy có những người Pháp trên đất Pháp còn tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng SácgiơRêuyni đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu Nguyễn Tất Thành cũng thấy cảnh nghèo khổ của người lao động dưới sự bóc lột áp bức dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Những sự việc nhìn thấy trên đường anh đi tạo nên mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.
Tàu Amiral Latouche, con tàu đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục qua Máctiních (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Tại đây anh có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với Bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Dừng chân ở nước Mỹ không lâu nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ. Đằng sau khẩu hiệu “cộng hòa dân chủ” của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Anh cảm thông sâu sắc với đời sống của nhân dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này anh đã viết lại trong bài báo “Hành hình kiểu Linsơ”.
Khoảng đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) của Pháp, sau đó sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng sau mỗi ngày anh đều tranh thủ học tiếng Anh.
Giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra ác liệt, tình hình Đông Dương đang có những biến động, vào khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở về Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Thời gian đầu khi tới Pari, chưa có giấy tờ hợp pháp, Nguyễn Tất Thành được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Trong khi chờ các đồng chí tìm cho giấy tờ quân dịch hợp pháp, anh phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại để tránh sự kiểm tra của cảnh sát. Cuộc sống của anh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn; vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa, nhưng anh vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động. Anh thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường.
Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh trả lời: Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18 tháng 6 năm 1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hòa bình Pari, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Văn kiện chính của hội nghị là Hiệp ước Vécxây xác định sự thất bại của nước Đức và các nước Đồng minh của Đức, phân chia lại bản đồ thế giới theo hướng có lợi cho các đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.
Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây. Dưới bản yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Cái tên An Nam còn rất xa lạ với hệ thống chính trị Pháp đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp - những người luôn có khát vọng giải phóng dân tộc. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Hòa bình ở Véc-xây bằng sự kiên định, công khai và hợp pháp. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế đòi những quyền cơ bản chính đáng cho Việt Nam.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1919, Lênin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp Đại hội ở Mátxcơva, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương những vấn đề về dân tộc và thuộc địa của Lênin được Quốc tế Cộng sản họp lần 2 năm 1920 thông qua, đã vạch ra những vấn đề cơ bản cho phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và khu vực. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.
Ngày 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người cộng sản chủ trương ra nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Từ giờ phút đó Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam và là một trong những người đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ngày 26 tháng 6 năm 1921, tại Pari, Hội Liên hiệp thuộc địa chính thức được thành lập, Hội đã cho ra đời tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút viết bài, sau này cả phát hành báo.
Ngày 13 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp để đến Mátxcơva, Liên Xô dự Hội nghị quốc tế nông dân. Hội nghị quốc tế nông dân diễn ra lần thứ nhất vào ngày 10 tháng 10 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng quốc tế nông dân, trở thành 1 trong 52 thành viên của Hội đồng. Khoảng tháng 9 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô và đến Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 11 tháng 11 năm 1924. Mục đích của chuyến đi là xây dựng phong tào cách mạng vô sản ở Việt Nam. Trước mắt là xúc tiến việc thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - Đây là tổ chức cộng sản đầu tiên của nước ta và là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, tại bán đảo Cửu Long, Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Dự hội nghị có 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và 2 đại biểu của những người cộng sản Việt Nam ở nước ngoài tham dự. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản Đảng thành một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1930, sau chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, Nguyễn Ái Quốc còn đến các nước: Thái Lan, Malaixa, Singapo để thực hiện nhiệm vụ của quốc tế cộng sản giao. Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt ngày 6 tháng 6 năm 1931 tại nhà số 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Kông. Lúc này Nguyễn Ái Quốc mang tên là Tống Văn Sơ. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chống Luật sư Lôdơbai, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh vào năm 1932. Nhờ sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh, phu nhân Tôn Trung Sơn, (sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Nguyễn Ái Quốc đã nối lại liên lạc với Quốc tế Cộng sản và trở lại Liên Xô vào mùa Xuân năm 1934. Tháng 10 năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô để tìm cách trở lại Việt Nam. Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc tham gia hàng ngũ Bát Lộ quân Trung Quốc với bí danh Hồ Quang, với cấp bậc Thiếu tá, công tác tại Văn phòng Bát Lộ quân Quế Lâm, Trung Quốc.
Sau khi nghe tin Pari bị quân phát xít Đức chiếm đóng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: Việc Pháp mất nước là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng Việt Nam.
Ngày 28 tháng 01 năm 1941 (tức Mồng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về đến Pác Bó) xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).
Chặng đường 30 năm bôn ba khắp đó đây của Nguyễn Ái Quốc vừa tìm đường cứu nước, vừa kiên trì chiến đấu đầy bản lĩnh và trí tuệ. Thành quả vĩ đại của cuộc hành trình 30 năm đó thể hiện ở chỗ: Những câu hỏi lớn nhất đối với dân tộc Việt Nam, với cách mạng Việt Nam mà trước đó chưa ai tìm được câu trả lời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp sáng tỏ, đầy sức thuyết phục./.
Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.